logo
logo
 0935.374.837
Dù sản phẩm sầu riêng tại địa phương đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhưng không chờ đợi các đơn vị thu mua đến đặt hàng, nông dân Trần Anh Tùng, xã Bình Sơn (huyện Long Thành) đã chủ động mở quầy giới thiệu sản phẩm sầu riêng VietGAP tại siêu thị Co.opmart Biên Hòa (Đồng Nai). Và niềm vui lớn đã đến với những người nông dân trồng sầu riêng tại đây, khi hiện tại phía siêu thị Co.op Mart đã về làm việc với nông dân để đưa sản phẩm sầu riêng VietGAP vào siêu thị.

tukujkll.jpg
Anh Tùng giới thiệu sản phẩm sầu riêng của gia đình

“Với diện tích 15ha sầu riêng được cấp chứng nhận VietGAP, nông dân địa phương có thể cung cấp khoảng 130 tấn sầu riêng an toàn/vụ cho hệ thống siêu thị Co.op Mart” – anh Tùng mở đầu câu chuyện khi trao đổi với chúng tôi.

 

Theo anh Tùng, ban đầu với sự đồng ý của siêu thị, anh chỉ mở một quầy hàng nhỏ với mục đích giới thiệu sản phẩm sầu riêng VietGAP của gia đình cũng như một số hộ nông dân tại địa phương. Tuy nhiên, kết quả mang lại đã khiến anh cũng như nhiều hộ nông dân bất ngờ khi mỗi ngày, quầy hàng của anh bán được đến 2 tạ sầu riêng. Chỉ trong 1 tuần, 14 tạ sầu riêng VietGAP đã được tiêu thụ nhanh chóng với sự hài lòng của khách hàng. “Sau 1 tuần bán thử tại siêu thị, sản phẩm sầu riêng VietGAP đã được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Phía siêu thị sẽ tiến hành khảo sát quy trình sản xuất của chúng tôi nhằm tiến tới ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm” - anh Tùng phấn khởi cho biết.

 

Được biết, mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP tại 2 xã Bình Sơn và Bình An (huyện Long Thành) do Trung tâm Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Long Thành triển khai thực hiện từ cuối năm 2013. Các hộ tham gia dự án chủ yếu trồng 2 giống sầu riêng phổ biến là Ri6 và Monthon. Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho nhà vườn trồng sầu riêng.

 

Theo đó, bà con tham gia mô hình được cán bộ Trung tâm Cây ăn quả miền Đông hướng dẫn tuân thủ các quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Việc lấy mẫu đất trồng, nước tưới cho vườn sầu riêng được thực hiện tại Trung tâm Đo lường chất lượng Tiêu chuẩn 3; nông dân được hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên việc ghi chép nhật ký sản xuất, được tham gia tập huấn quy trình sản xuất sầu riêng theo VietGAP, quy trình canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn, biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất, nhận định tình hình sâu bệnh gây hại  và biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp theo phương pháp IPM, quy trình thu hoạch và sơ chế sầu riêng đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm...

 

 

trjmyuktui.jpg
Người tiêu dùng đang có cơ hội sử dụng những trái sầu riêng sạch, an toàn.
 

 

“Phải mất hơn 2 năm, với sự nỗ lực miệt mài của cả gia đình cũng như sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, tôi đã chuyển đổi toàn bộ gần 01 ha sầu riêng vốn được trồng theo phương thức truyền thống sang mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó tất cả diện tích đều được trồng bằng giống sầu riêng mới Ri 6, với chất lượng rất thơm, ngon” – anh Tùng chia sẻ.

 

Để nâng cao năng suất và chất lượng vườn sầu riêng theo đúng tiêu chuẩn GAP, theo anh Tùng, ngoài việc áp dụng triệt để các biện pháp canh tác, biện pháp sinh học theo tiêu chuẩn, anh đã ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho toàn bộ vườn sầu riêng. Nhờ sự đầu tư đồng bộ đó, năng suất vườn sầu riêng nhà anh Tùng tăng rõ rệt. Vụ thu hoạch vừa rồi, đạt hơn 20 tấn/ha (trước đây chỉ khoảng 13 tấn/ha).

 

Tuy nhiên, theo anh Tùng, sản xuất theo hướng VietGAP, lợi ích lớn nhất không chỉ đến từ năng suất mà quan trọng hơn là hiệu quả mang lại từ chất lượng sản phẩm. “Trước đây, khi sản xuất theo phương thức truyền thống, sản phẩm thu hoạch không đồng đều, thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất đi Trung Quốc nên giá cả bấp bênh. Thế nhưng, khi sản xuất theo quy trình GAP cho ra sản phẩm sạch thì thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, giá cả ổn định và đặc biệt là được người tiêu dùng đón nhận do an tâm về chất lượng” - anh Tùng chia sẻ.

 

Sản phẩm sầu riêng Ri 6 của anh Tùng đã nhiều lần được trao chứng nhận giải thưởng “Trái ngon, an toàn”.

 

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Long Thành, dự án trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp bà con nông dân thay đổi tư duy chăm sóc cây sầu riêng thông qua các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, các mô hình trình diễn, xây dựng hợp tác xã trên cơ sở liên kết giữa các nông hộ với đơn vị thu mua, phân phối sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật...

 

Được biết, từ chỗ dự án chỉ có 9 hộ tham gia với diện tích 15ha, nay các nhà vườn trên địa bàn đang nhân rộng lên diện tích 60ha.

 

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản xuất theo hướng GAP nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân là hướng đi đã được huyện Long Thành lựa chọn trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

 

Thanh Cảnh


Bài liên quan